Ngày 29 tháng 3 năm 2024 Trang chủ   |   Giới thiệu   |   Sự kiện   |   Album ảnh   |   Đăng ký   |   Thư viện   |   Liên hệ  
 
Thông tin chính
 Tổ chức-Điều lệ
 Tin tức -Sự kiện
 Olympic Toán SVQT
 Olympic Hà Nội MR
 Trại hè Hùng Vương
 Trại hè Phương Nam
 Olympic Singapore
 Hội nghị khoa học
 Kỷ niệm 30 năm
 Thông báo của Hội
 
Thư viện Tài liệu
 CLB Hội Toán học
 Nhà toán học
 Ảnh nghệ thuật
 Trao đổi Học thuật
 Trang thơ, văn học
 Công nghệ mới
 
Liên kết ngoài
Album ảnh kkhối chuyên Toán Tin
Website hội toán học VN
Tạp chí toán học tuổi trẻ
Website hội ứng dụng Toán học VN
   Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán
 
 
 
GS-TS VŨ HÀ VĂN
 

GS-TS Vũ Hà Văn sinh năm 1970, hiện đang làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Rutgers (Hoa Kỳ). Ngày 8.7.2008, anh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Polya - một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (Society for Industrial and Applied Mathematics - SIAM). Nhân dịp này, Tạp chí Hoạt động Khoa học đã có cuộc trao đổi ngắn cùng anh.
Được biết vào ngày 8.7 vừa qua, anh đã vinh dự được SIAM trao tặng Giải thưởng Polya 2008. Xin chúc mừng anh và đề nghị anh giới thiệu đôi nét về Giải thưởng này cũng như công trình đã giúp anh đoạt Giải thưởng?
Polya Prize được đặt theo tên nhà toán học, nhà sư phạm lớn người Hungary Polya George (1887-1985). Độc giả và những người yêu môn toán ở Việt Nam thường biết tới ông qua tác phẩm kinh điển “How to solve it” (xuất bản năm 1945) đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng, trong đó bản tiếng Việt mang tên “Sáng tạo toán học” do GS Văn Như Cương dịch từ bản tiếng Nga. GS Polya đã từng giảng dạy trong một thời gian dài tại Đại học Stanford (California - Hoa Kỳ).
Được SIAM lập ra vào năm 1969, Giải thưởng Polya hiện nay được trao
cho các thành tựu lớn thuộc 2 lĩnh vực: 1- Lý thuyết tổ hợp; 2- Lý thuyết số, xác suất và một số vấn đề toán học mà sinh thời Polya George quan tâm. Trong từng lĩnh vực, giải thưởng được trao 4 năm một lần. Những người được trao Giải thưởng này trong vòng 10 năm gần đây gồm: Năm 2000, Noga Alon (Israel) được trao Giải Polya thuộc lĩnh vực (1); năm 2002, Craig A. Tracy và Harold Widom (Hoa Kỳ) được trao Giải Polya thuộc lĩnh vực (2); năm 2004, Neil Robertson (Canađa) và Paul Seymour (Anh) được trao Giải Polya thuộc lĩnh vực (1); năm 2006, Gregory Lawler (Hoa Kỳ), Oded Schramm (Israel) và Wendelin Werner (Đức) được trao Giải Polya thuộc lĩnh vực (2) và năm 2008, tôi được trao Giải Polya thuộc lĩnh vực (1).
Tôi được trao Giải thưởng Polya 2008 về một số công trình phát triển và ứng dụng lý thuyết xác suất để giải quyết một số bài toán tổ hợp. Phần lớn các công trình này được bắt nguồn từ luận án TS tôi viết tại Đại học Yale (1994-1998). Trong vòng 10 năm qua, các ý tưởng đã được đào sâu, tìm được nhiều ứng dụng cũng như đã được phát triển thêm.
Theo đánh giá của SIAM, “các công trình này nhằm phát triển các bất đẳng thức cơ bản cho các đa thức ngẫu nhiên. Các bất đẳng thức này có phạm vi ứng dụng rộng hơn các bất đẳng thức trước đây; chúng cho phép tìm ra lời giải cho một số bài toán lớn từ lâu nay trong hình học xạ ảnh, hình học lồi, lý thuyết đồ thị… Các bất đẳng thức này là một trong những đóng góp quan trọng nhất trong lý thuyết tổ hợp xác suất trong một thập kỷ qua”.
Từ những thành công của mình, anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm với các nhà khoa học trẻ Việt Nam nói chung và nhà toán học trẻ Việt Nam nói riêng?
Tôi nhận thấy một số lớn sinh viên toán (hay các môn khoa học nói chung) ở Hoa Kỳ có một phẩm chất rất đáng quý, đó là sự tự tin và luôn tự tìm tòi, sáng tạo, không phụ thuộc nhiều vào thầy giáo. Những đề tài được thầy giáo giao cho có thể phù hợp hoặc không phù hợp với từng người. Nếu không phù hợp, nhiều sinh viên tự tìm ra hướng đi riêng của mình và nhiều khi họ đã cho ra đời những công trình rất độc đáo. Hiện nay, nhờ có mạng Internet, tài liệu về toán nói riêng và khoa học nói chung rất nhiều, rất thuận lợi cho việc nghiên cứu.
Đối với nhà toán học trẻ, việc rèn luyện kỹ năng tất nhiên là cần thiết, nhưng theo tôi, điều mấu chốt là phải tạo được cho mình sự cảm nhận về toán học. Bài toán khó thì có nhiều, nhưng phải tìm ra bài toán nào là hay và quan trọng. Nhiều khi công trình lớn lại được phát triển từ những ý tưởng giản dị, nhưng được gắn với một vấn đề cơ bản. Đây là sự khác nhau lớn giữa toán phổ thông (kiểu như toán thi học sinh giỏi toàn quốc và quốc tế mang nặng tính đánh đố) với toán cao cấp. Toán cao cấp đòi hỏi sự kiên nhẫn, rất khác so với kiểu toán thi học sinh giỏi, phải giải được bài toán trong một thời gian ngắn đã định trước. 
Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được xác định là một trong những lực lượng quan trọng để phát triển nền KH&CN Việt Nam. Anh nghĩ gì về điều này, và theo anh chúng ta cần phải làm gì để thực hiện điều đó?
Lâu nay, nhiều người đã từng băn khoăn vì chúng ta chưa có một kế hoạch cụ thể nào để sử dụng hiệu quả nguồn chất xám này. Phải khẳng định rằng, nếu chúng ta phát huy được sự đóng góp của trí thức người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài, thì đây là một nguồn lực không hề nhỏ cho việc xây dựng và phát triển nền KH&CN nước nhà. Hiện nay, môi trường làm việc cũng như những ưu đãi đối với trí thức ở Việt Nam còn có khoảng cách khá xa so với các nước phát triển. Do vậy, theo tôi, chúng ta cần phải cố gắng để thu hẹp khoảng cách này. Tất nhiên, đây là vấn đề không đơn giản do hoàn cảnh kinh tế của đất nước còn khó khăn, nhưng quan trọng là cần phải tạo một môi trường để sao cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước cảm thấy mình thực sự có ích, được Nhà nước hỗ trợ và không bị gò bó bởi các thủ tục hành chính phức tạp. Hiện nay, các trí thức về nước phần lớn là tự túc hoặc đi theo một số quan hệ cá nhân, vì thế các kết quả và sự lan toả chưa sâu, rộng. Nếu có các chính sách và giải pháp đồng bộ thì hiệu quả có thể cao hơn nhiều. Một số nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã có những giải pháp như vậy và thu hút được một số lượng không nhỏ những nhà khoa học gốc Hoa quay lại làm việc ở trong nước. Trong số này nhiều người tôi biết cụ thể, là GS ở một số trường có danh tiếng tại Hoa Kỳ. Có lẽ ta nên tham khảo phương pháp của họ.
Anh có thể cho biết những dự định của mình trong việc góp phần xây dựng và phát triển nền toán học cũng như nền KH&CN của nước nhà?
Hiện nay, đóng góp của tôi mới chỉ mang tính cá nhân, như hàng năm về nước tham gia các seminar ở Viện Toán học, dạy một khoá học ngắn cho sinh viên hoặc hướng dẫn luận án tiến sỹ cho một số nghiên cứu sinh Việt Nam... Tôi hy vọng, trong tương lai sẽ có những dự án mang tính tập thể và quy mô lớn để chúng tôi có thể đóng góp được nhiều và hiệu quả hơn nữa cho nền toán học của đất nước.
 Trong những năm gần đây, nhờ sự thúc đẩy của công nghệ (như công nghệ thông tin), rất nhiều lĩnh vực tương đối mới của toán học, chẳng hạn như tổ hợp và xác suất, phát triển rất mạnh mẽ và có nhiều ứng dụng trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Ở khía cạnh này, một số môn trong giáo trình toán cao cấp của Việt Nam hiện nay hơi cũ so với thế giới. Tôi mong muốn sinh viên Việt Nam được tiếp cận nguồn tri thức mới này một cách nhanh chóng hơn.
Xin cảm ơn anh. Chúc anh có thêm những thành công mới và đóng góp nhiều hơn cho nền toán học nước nhà.
Thực hiện: Cao Thu Hằng
GS Vũ Hà Văn
- Sinh năm 1970 tại Hà Nội, là con trai nhà thơ Vũ Quần Phương.
- Từ 1984-1987, là học sinh chuyên toán Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.
- 1987: Sang Hungary học ngành điện tử (Đại học Bách khoa Budapest).
- 1989: Chuyển sang học ngành toán (Đại học Tổng hợp Budapest).
- 1994: Lấy bằng ThS.
- 1998: Bảo vệ  luận án TS toán học tại Đại học Yale (Hoa Kỳ).
- 1998-2001: Làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp (Institute for Advanced Study - IAS, Princeton) và Viện nghiên cứu của Microsoft (Microsoft Research, Redmond).
- 2001-2005: Giảng dạy tại Đại học California, San Diego.
- Từ năm 2005 đến nay: Giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Rutgers, New Jersey.
- Năm 2007: Được mời làm Chủ nhiệm chương trình “Số học tổ hợp” của IAS.
- Đã được trao Giải thưởng Sloan (năm 2002) và Giải thưởng NSF Career Award (năm 2003) dành cho các nhà toán học trẻ tuổi tại Hoa Kỳ; Giải thưởng Polya (năm 2008).

[ Cập nhật: 28/4/2009; PQD]
  • Về trang tin
    HMS.ORG.VN : GS-TS VŨ HÀ VĂN
    Tin liên quan:\ Trao đổi Học thuật
    Trở về cội nguồn Thánh địa Hình học phẳng Euclide (28/4/2009)
    (trích nguồn: Báo tuổi trẻ Toán học)


    [Cập nhật: 28/4/2009; PQD]

    Chi tiết..


    Bất Đẳng thức CAUCHY - BUNYAKOVSKI - SCHWARZ (28/4/2009)
    (Nguồn: Báo tuổi trẻ Toán học)


    [Cập nhật: 28/4/2009; PQD]

    Chi tiết..


    Phương pháp lượng giác hóa (27/4/2009)
    (nguồn Số :381 - 3/2009 báo Toán học tuổi trẻ)

    theo nguồn Số :381 - 3/2009
    [Cập nhật: 26/4/2009; PQD]

    Chi tiết..


    Thời kỳ hoàng kim của Toán học (7/4/2009)
    (Pv: Sơn Khê, 20/8/2008 )

    (Còn nữa)
    [Cập nhật: 22/3/2009; PQD]

    Chi tiết..



  • © 2009 Trang tin của Hội Toán học Hà Nội

    website: http://hms.org.vn

    Điện thoại: 04-35576851 Email: hmsmnv@gmail.com.