Ngày 6 tháng 2 năm 2025 Trang chủ   |   Giới thiệu   |   Sự kiện   |   Album ảnh   |   Đăng ký   |   Thư viện   |   Liên hệ  
 
Thông tin chính
 Tổ chức-Điều lệ
 Tin tức -Sự kiện
 Olympic Toán SVQT
 Olympic Hà Nội MR
 Trại hè Hùng Vương
 Trại hè Phương Nam
 Olympic Singapore
 Hội nghị khoa học
 Kỷ niệm 30 năm
 Thông báo của Hội
 
Thư viện Tài liệu
 CLB Hội Toán học
 Nhà toán học
 Ảnh nghệ thuật
 Trao đổi Học thuật
 Trang thơ, văn học
 Công nghệ mới
 
Liên kết ngoài
Album ảnh kkhối chuyên Toán Tin
Website hội toán học VN
Tạp chí toán học tuổi trẻ
Website hội ứng dụng Toán học VN
   Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán
 
 
 
Hai mươi năm tôi đi dự semina
 

Trần Huy Hổ, Đại học Khoa học Tự nhiên


         Có những kỷ niệm mà người ta không bao giờ quên.
        Ấy là những kỷ niệm của những năm tháng khó khăn. Năm 1989, sau những ngày tháng vật lộn với  mấy bài giảng thử bằng tiếng Pháp tôi được gọi đi làm chuyên gia giáo dục ở Algérie. Đi để cứu nhà! Cũng năm đó anh Nguyễn Văn Mậu sau mấy năm tu luyện tại Ba Lan về nước với tấm bằng Tiến sĩ (bây giờ là Tiến sĩ khoa học). Hồi đó, giữa thời buổi người người đi buôn để tự cứu mình thì việc chăm chú học hành nghiên cứu để mang về một tấm bằng thật có thể xem là một việc không phải ai cũng làm được. Tôi quý anh Mậu trước tiên có lẽ cũng vì lẽ đó. Anh Mậu bảo tôi:
- Phải có semina về Phương trình ở Tổng hợp anh Hổ ạ!
- Mậu đứng ra làm đi, mình ủng hộ nhiệt tình. Tôi đáp lại.
      Ấy là vài câu anh em kịp hàn huyên ở tận Moscva xa xôi khi tôi bất ngờ gặp anh dẫn học sinh đi thi toán quốc tế, còn tôi đang trên đường quá cảnh “đi ăn mày” ở  Châu Phi (cụm từ anh em chuyên gia giáo dục vẫn tự chào lộng về công việc của mình thời đó).
      Chia tay nhau vội vàng, tôi bay đi Algérie kiếm sống, anh về nước và giữ đúng lời hứa. Semina “Giải tích đại số và các phương pháp toán sơ cấp” được ra đời từ đầu năm1990, trong những ngày đất nước còn vô vàn khó khăn trong cơ chế bao cấp. Tên của nửa đầu semina gắn với những vấn đề mà Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Mậu bắt đầu quan tâm sau khi đã bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ khoa học liên quan đến các lớp bài toán của phương trình tích phân kỳ dị.  Lý thuyết giải tích đại số cho phép nhìn nhận các lớp bài toán của phương trình vi phân và phương trình tích phân dưới một quan điểm thống nhất của lý thuyết toán tử khả nghịch theo các nghĩa mở rộng khác nhau, mà chính anh đã có những kết quả khá hay. Tên của nửa sau semina xuất phát từ mong muốn thu hút những anh em tâm huyết với sự nghiệp bồi dưỡng năng khiếu toán học cho thế hệ trẻ.
       Lập một semina khoa học đã là một việc khó. Duy trì nó lại là điều khó hơn nhiều. Nhưng rồi hữu xạ tự nhiên hương, khoa học và tâm huyết đã kết nối anh em lại từ những ngày đầu tiên ấy. Mỗi sáng thứ năm hẹn nhau đến phòng  semina của khoa Toán ở tầng 1 nhà liên hợp (T1, 334 Nguyễn Trãi). Khi ấy đến từ bộ môn Giải tích (Khoa Toán, ĐHKHTN- HN) có anh Nguyễn Thuỷ Thanh về hàm phức, anh Nguyễn Đình Dũng, anh Nguyễn Văn Xoa, chị Phan Khánh Tâm về giải tích hàm, chị Trần Thị Đệ về phương trình vi phân. Năm 1991, hết hạn hai năm ở Châu Phi, tôi- Trần Huy Hổ (cũng là thành viên bộ môn Giải tích), làm về phương trình vi phân đạo hàm riêng cùng gia nhập hội. Kể thế cũng là rôm rả. Anh Thanh và tôi, khi ấy, dù sao cũng đã được coi là lớp già nhưng là nhân tố không thể thiếu. Kế đến là anh Nguyễn Minh Tuấn sinh viên cũ (khoá 20) của khoa, đang làm ở Viện nghiên cứu hạt nhân, cũng về xin làm học trò anh Mậu.  Rồi anh Phạm Quang Hưng, anh Nguyễn Vũ Lương, anh Phạm Hùng, anh Đỗ Thanh Sơn  đều  tụ về đây mỗi sáng thứ Năm. Muộn hơn một chút, tôi thấy sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Đăng Phất, PGS.TS Nguyễn Đình Quyết từ ĐHSP HN, PGS.TS Hà Tiến Ngoạn, TS Nguyễn Văn Ngọc đến từ Viện Toán học, GS.TSKH Lê Hùng Sơn đến từ ĐHBK HN, TS Phạm Thị Bạch Ngọc từ tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. Những năm đầu của thập niên 90 PGS.TS Nguyễn Xuân Thảo đến từ ĐH Thuỷ Lợi cùng với nhóm học trò của mình. Semina đã vượt khỏi khuôn khổ một trường. Nó lớn mạnh trở thành một semina của thành phố (liên trường - viện). Danh xưng là như vậy kể cũng là hoàn toàn xác đáng. Và với thời gian, ngày nay semina này được xem như semina ruột của Hội Toán học Hà Nội.
        Phần toán hiện đại hấp dẫn tuổi trẻ. Nó tiếp cận tới những vấn đề thời sự nhất của toán học hiện về lý thuyết phương trình. Thế rồi từ semina này đã có những luận văn tiến sĩ được bảo vệ thành công. Trong số đó phải kể đến những thành công của các thành viên đầu tiên của semina: tiến sĩ Phạm Quang Hưng (Phó Giám đốc ĐHQGHN), PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (Phó HT, ĐHBKHN), PGS.TS Nguyễn Vũ Lương (Chủ nhiệm khối THPT chuyên Toán -Tin ĐHKHTN HN), PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn…
         Phần phương phápToán sơ cấp lại có vẻ hấp dẫn riêng của nó mà người có công đầu giới thiệu vẻ đẹp lấp lánh của các bài toán sơ cấp không ai khác, cũng chính là GS.TSKH  Nguyễn Văn Mậu. GS.TS.NGND Đặng Huy Ruận (nguyên Chủ nhiệm khoa Toán ĐHKHTN HN) cũng gia nhập hội với những bài toán khá hay của toán học rời rạc. Nói về phần này, nếu không nhắc một  thành viên đặc biệt của semina sẽ là một thiếu sót. Ấy là tôi muốm nhắc tới một “ông già” đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, thường khiêm tốn ngồi hàng ghế thứ ba. Ông là Đoàn Nhật Quang, một “cây toán”(danh từ chỉ những học sinh rất giỏi toán thời trước đây) của trường Chu Văn An vào những năm cuối thập kỷ 50 thế kỷ trước. Cuộc đời không ưu aí cho ông thực hiện ước mơ ngồi ghế trường đại học. Nhưng niềm say mê vẻ đẹp toán học thì không bao giờ vơi cạn trong ông. Ông đến dự semina đều đặn. Ông trình bày nghiên cứu của mình về các con số mà tôi chắc nếu không có lòng đam mê khó ai có thể làm như thế. Một hôm, cách đây có dễ đã ngót mười năm, đến semina ông kể rằng vừa trúng sổ số độc đắc. Mọi người chúc mừng và hỏi ông cảm giác khi biết mình trúng độc đắc. Ông cười, đáp lại : “Không sướng bằng khi chứng minh xong một định lý( kết quả mà ông tìm ra) !”. Ai không tin thì tuỳ. Với tôi, tôi tin có sự thật trong câu nói đó. Tôi biết điều này, vì ông đã từng là người dạy cho tôi cách giải các bài toán khó mà. Tôi không theo dõi chi tiết tường tận cách ông tư duy quy nạp. Nhưng  tôi chia xẻ một nhận xét của một học viên cao học, học trò của tôi: Em thấy những tư duy của bác Quang rất bổ ích cho công việc đào tạo học sinh năng khiếu.
         Semina đều đặn đến độ, cán bộ khối hiệu bộ trường ĐHKHTN đã quen với việc lịch  dự hội thảo khoa học (semina) mỗi sáng thứ Năm hang tuần của thầy Mậu, thầy Hổ (khi tôi còn làm phó Hiệu trưởng). Trừ khi có việc khẩn cấp,  mỗi sáng thứ năm, một nửa của Ban Giám hiệu thuộc quyền sở hữu của semina. Đã có ở nơi nào trên đất nước này có một semina như vậy?      
        Một semina khoa học tồn tại và phát triển được, công lớn thuộc về người chủ trì khoa học. GS.TSKH. NGND Nguyễn Văn Mậu, người hội tụ đủ các nhân tố để duy trì và phát triển một semina như thế. Trong Anh, tôi nhìn thấy vừa có chữ Tài vừa có chữ Tâm.
        Kết thúc semina thường là vào 11g30’( nếu buổi ấy không phải là báo cáo của thầy Phất). PGS. TS Nguyễn Đăng Phất thường báo cáo về những bài toán hình học rất kỳ thú. Ông muốn cho semina thấy vẻ đẹp của hình học sơ cấp nhìn từ góc độ toán hiện đại. Song hỏi đáp một hồi mà vấn chưa đi vào phần chính. Nhưng có câu hỏi thì hãy tranh luận. Mà tranh luận sôi nổi tới mức vừa tới tầng một nhà liên hợp mà cô Lê Thanh Hằng đã nghe thấy tiếng thầy Mậu, thầy Phất. Tiện đây cũng nói luôn, nhờ semina mà tôi và anh Phất biết nhau. Chúng tôi hẹn nhau tổ chức cho được một Olympic toán sinh viên. Năm đầu tiên (1993) Đại học Tổng hợp Hà Nội chủ trì. Kỳ thi ấy có sự tham gia của sinh viên của ba trường Tổng hợp Hà Nội, Sư phạm Hà Nội và Bách khoa Hà Nội. Tôi nhớ phần chuyên môn tôi uỷ thác nhờ anh Mậu phụ trách. Kỳ thi thành công tốt đẹp với phổ giải thưởng khá đẹp cho cả sinh viên ba trường. Ngày nay đã mười tám năm trôi qua, kỳ thi thường niên này như một sân chơi bổ ích cho tất cả các trường đại học và trung học chuyên nghiệp khối khoa học tự  nhiên và kỹ thuật cả nước. Và theo tôi biết, Hội Toán học Việt Nam phân công việc này cho Phó Chủ tịch hội, GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu phụ trách.
         Dù tranh luận vẫn còn tiếp diễn thì phần hai của semina vẫn phải chấm dứt khi hai kim đồng hồ trùng ở con số 12. Và một hậu semina được nối tiếp xung quanh một bàn vuông lớn trong một “quán ăn ruột” của semina. Phần ba của semina được nối tiếp quanh những chuyện rất đời thường qua ngôn ngữ của các nhà khoa học, các nhà giáo. Thật tiếc cho những học viên cao học nào mỗi khi có điều kiện về Hà Nội dự semina đã không tham gia phần 3 của semina.
        Như để bù lại cho những chỗ thiếu hụt ấy, hầu như hàng năm semina lại tổ chức những “ hội thảo điền giã” về các địa phương. Đấy thực sự là một ngày hội cho tất cả những ai đã gắn bó trưởng thành từ semina. Bavì, Tam đảo, Hải dương, Việt trì, Quảng Ninh, Sapa, Vĩnh phúc, Bắc giang,... Mỗi địa phương mang lại một sắc thái riêng cho hội thảo. Song tất cả đều  là sự ghi nhận thành tựu mà semina đạt được trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo tài năng cho đất nước.
          Cứ mỗi độ xuân về, đại gia đình semina của chúng ta lại hội tụ trên du thuyền Hồ Tây để du xuân vãn cảnh Chùa, để cùng nhau vui ca những ca khúc hào hùng của thời Hò Kéo Pháo.
         Năm nay, hội thảo tiến tới  kỷ niệm hai mươi năm ngày ra đời semina được tổ chức tại Bắc giang chắc chắn sẽ là một dịp hội ngộ đầy tình nghĩa.     
           Cũng từ semina này đã hình thành các đề tài hợp tác nghiên cứu với các đồng nghiệp nước ngoài từ Nhật Bản và Cộng hoà Liên bang Đức. Những hội thảo quốc tế được tổ chức mà semina của chúng ta làm nòng cốt đã khẳng định vai trò vị thế của hướng nghiên cứu của semina trong cộng đồng toán học quốc tế. Tuy mới ở mức độ khiêm tốn nhưng tôi tin rằng kỷ niệm lần thứ 25, lần thứ 30, chúng ta sẽ có một danh sách dài về đề tài hợp tác quốc tế.
            Hai mươi năm trước dự semina đều là những mái đầu xanh. Thời gian đã làm những mái tóc đổi sang màu bạc trắng. May mắn thay, sau dãy bàn đầu bạc lại có những mái đầu xanh nối tiếp trong phòng 421 nhà T1 334 Nguyễn Trãi để làm cái công việc mà đôi khi ( không phải khi nào cũng thế) người ngoài không hiểu tưởng là “họ đang cãi nhau” vào mỗi sáng thứ năm hàng tuần.
           Mượn dịp kỷ niệm 20 tuổi xuân của Semina, đôi lời tản mạn xin ghi lại và lẩy một câu Kiều làm đề tựa bài viết này để tri ân những người mà tôi yêu quý song không phải bao giờ cũng có dịp giãi bày.

                                                                         
Vĩ thanh:
Khi tôi viết xong bài này cũng chỉ tưởng để góp một nét chấm phá cho bức tranh lịch sử hai mươi năm hoạt động Semina Giải tích - Đại số. Không ngờ, bài viết được bạn đọc nhiệt tình chào đón và dành cho những lời khen ưu ái. Tôi ngộ ra một điều: Phàm những gì có hơi thở của cuộc sống thì tự nó đã là một bức tranh sinh động. Một người ham vui như tôi, biết đâu nói đâý, ghi lại đôi điều tâm sự được các bạn hưởng ứng, ấy là một nguồn động viên rất lớn. Xin bạn đọc nhận cho những lời tri ân chân thành nhất.
                    Nhân dịp Hội thảo Ba vì, anh Mậu có ý định in lại bài viết này với sự bổ sung thêm về mặt giới thiệu khía cạnh học thuật của semina vào tập kỷ yếu lần này xem như một bức tranh toàn cảnh về sinh hoạt semina trong hơn hai mươi năm qua. Anh muốn tôi viết sâu hơn về những hướng khoa học đã và đang được quan tâm tại semina, cái nôi đã sản sinh ra những luận án tiến sĩ về lý thuyết phương trình và những chuyên đề bổ ích về các bài toán sơ cấp. Tôi nhận lời rồi phân vân chọn cách viết. Chẳng bởi tôi không viết được một cách “hàn lâm” về những vấn đề đã được các nhà khoa học, thành viên của semina và các học trò của họ đã và đang có những kết quả rất đáng trân trọng đăng tải trên các các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước. Điều này tuy không dễ, nhưng xin đảm bảo tôi có thể làm được. Nhưng như thế, e rằng tôi đã làm cho tập kỷ yếu thêm khó đọc trong những ngày tháng năm oi bức. Mạo muội chọn một cách tiếp cận hơi “văn nghệ” một chút. Ấy là, xin kể tôi đã từng đi dự semina như thế nào.
           Còn nhớ, trong Hội thảo tại Bắc Giang vào dịp cuối năm 2009, khi điều hành một phiên họp tiểu ban tôi có nói một câu vui vẻ sau bài trình bầy và thảo luận rất sôi nổi về báo cáo rất hay về hình học của thày Nguyễn Đăng Phất. Đại ý là: Qua báo cáo của GS Phất các quý vị đại biểu và các bạn có thể hình dung thế nào là một buổi sinh hoạt semina của chúng tôi. Ai đó đã nói semina là buổi thuyết trình mà ở đó “ngươì  nghe thì không hiểu mà người hiểu thì không nghe!”. Hội trường cười vui, và người thú vị câu này nhất có lẽ là anh Độ, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội. Anh bắt tay tôi nói đúng một từ: Quá đúng! rồi cười.
          Tôi còn nhớ như in, năm thứ ba đại học (1964, Voronège, Liên xô) tôi đang đứng ngoài hành lang xem một thông báo về semina phương trình đạo hàm riêng bỗng thấy có người hỏi: Anh đến từ Việt Nam phải không. Tôi trả lời là đúng vậy. Chả là chúng tôi vừa được chuyển trường từ một thành phố nhỏ thuộc Bắc Kapkas tới Voronège, một trung tâm mạnh về giải tích của Liên Xô. Ông nói ông là giáo sư Krein và ông hỏi tôi có muốn dự semina của ông không. Sau này tôi mới biết là lúc đó tôi đang được nói chuyện với một trong những chuyên gia giải tích hàm có hạng của thế kỷ 20. Tôi bắt đầu dự semina từ đấy. Và quả thật là tôi không hiểu gì. Vì hình như cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ, còn cái mình biết thì quá ít. Chúng tôi những sinh viên, nghiên cứu sinh thường ngồi những hàng ghế cuối, ghi chép cẩn thận. Còn mấy hàng đầu là các giáo sư. Họ như chẳng mấy lắng nghe báo cáo viên. Đúng là người nghe thì không hiểu người hiểu thì không nghe. Ấy vậy mà tự nhiên semina nó ngấm vào mình tự lúc nào không biết, nó là một thứ không thể thiếu trông cuộc đời hoạt động khoa học. Tôi còn được dự những semina của những nhà toán học nổi tiếng khi làm nghiên cứu sinh tại Moscơva.Tôi nhớ một lần trong semina của GS Vishik tại MGU, Polomodov (một GS về phương trình đạo hàm riêng, học trò của Vishik) mở đầu báo cáo bằng một câu : Như mọi người đã biết…và ông ta nói một hồi phức tạp, rối rắm. Vishik dừng lại và hỏi: “Anh bảo như mọi người đã biết, Misa có hiểu không (ông hướng tới Mikhail Subin, khi ấy là nghiên cứu sinh), các anh có ai hiểu không. Tôi cũng không hiểu, trừ anh”. Ông tỏ ra không hài lòng với cách trình bày của học trò của mình và ông nói: Hãy biết trình bày dễ một vấn đề khó chứ không được làm khó một vấn đề dễ. Rồi ông nói lại ý tưởng của vấn đề được tác giả đặt ra. Anh Phạm Ngọc Thao ngồi cạnh tôi buông một câu: Đúng là một chuyên gia cự phách. Tôi ước mơ có một ngày tại Hà Nội cũng có một semina như kiểu semina của Krein hay semina của Vishik. Ước thế thôi không mong ngày được thấy nó hiện hữu. Năm tháng trôi, soi gương thấy đầu đã bạc. Nhưng rồi những hồi ức trở về, bỗng cảm thấy những gì mình mơ hồi tuổi trẻ hình như đã hiện hình đâu đấy trên mảnh đất quê hương yêu dấu. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng tôi cứ cảm giác rằng các bạn trẻ ngày nay đã có cái mà ngày xưa tôi ngồi mơ từ nước Nga xa xôi. Semina của chúng ta đã có dáng vẻ của cái semina mà tôi mơ đúng 40 năm về trước tại Moscơva. Chính vì cảm nhận được điều đó mà trong semina của chúng ta vẫn hiện những mái đầu bạc, những mái đầu mà 40 năm về trước đã dám ước mơ về một viễn cảnh tươi sáng của nền toán học nước nhà. Đã có mấy semina có một hiện tượng đặc biệt như vậy, nếu không phải là semina có một người chủ trì tâm huyết như GS. TSKH Nguyễn Văn Mậu. Mến về đức, phục về tài mà chúng tôi đến với anh. Chúc anh chân cứng đá mềm để chúng ta có những thứ năm hàng tuần đầy ắp tiếng cười.                


                                                   Ngày 19 tháng năm, ngày sinh nhật Bác lần thứ 120.
Phần đầu lấy từ bài “Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” đã đăng trong kỷ yếu Hội thảo tại Bắc Giang, 2009.

 

[ Cập nhật: 20/5/2010; Trần Huy Hổ]
  • Về trang tin
    HMS.ORG.VN : Hai mươi năm tôi đi dự semina
    Tin liên quan:\ Tin tức -Sự kiện
    SEMINAR KHOA HỌC GIẢI TÍCH – ĐẠI SỐ TẠI ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI (27/12/2024)
    Ngày 26/12/2024, Seminar kết thúc Học kỳ 1 năm học 2024 – 2025 của Hội Toán học Hà Nội đã được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm ôn lại kỷ niệm 55 năm truyền thống của Seminar Phương trình Vật Lý – Toán. Đây là Seminar khoa học về lĩnh vực phương trình đạo hàm riêng do các GS Nguyễn Đình Trí (ĐHBK Hà Nội) và GS Nguyễn Thừa Hợp (ĐHTH Hà Nội) đồng tổ chức từ năm 1969.



    [Cập nhật: 27/12/2024; Ban biên tập]

    Chi tiết..


    SEMINAR KHOA HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI (21/12/2024)
    Nhằm thực hiện liên kết thường niên của khối các trường, viện, hội và đưa ứng dụng của các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy, Hội Toán học Hà Nội phối hợp với Khoa Toán-Tin tổ chức Seminar khoa học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 19/12/2024. Được thành lập từ những ngày đầu cùng với Trường Sư phạm Cao cấp (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) năm 1951, Khoa Toán trước đây, Khoa Toán-Tin ngày nay (tên gọi được chính thức sử dụng từ năm 1995), địa chỉ tại 136 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là một trong những đơn vị hàng đầu của cả nước về nghiên cứu và giảng dạy Toán học.
    Seminar hân hạnh được đón tiếp các nhà khoa học, nhà giáo lão thành, các thầy giáo, cô giáo bộ môn Toán khối các trường Đại học, Cao đẳng, trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lận cận tham dự.


    [Cập nhật: 20/12/2-24; Ban biên tập]

    Chi tiết..


    VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC CÁC CHUYÊN ĐỀ OLYMPIC TOÁN HỌC CẬP NHẬT CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018  KỶ NIỆM 50 NĂM VIỆT NAM THAM DỰ IMO (7/12/2024)
    (Trường THPT Chuyên Trần Phú TP Hải Phòng đăng cai tổ chức)
    Thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các chương trình bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cập nhật các chương trình GDPT 2018 và tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến quốc tế thiết thực kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), hội Toán học Hà Nội cùng Sở GD&ĐT Hải Phòng và Trường THPT Chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng đồng tổ chức hội thảo khoa học:
    Các chuyên đề Olympic Toán học cập nhật chương trình GDPT 2018
    tổ chức vào ngày 05/12/2024 tại Trường THPT Chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng.


    [Cập nhật: 7/12/2024; Ban biên tập]

    Chi tiết..


    THÔNG BÁO VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC CÁC CHUYÊN ĐỀ OLYMPIC TOÁN HỌC CẬP NHẬT CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 (26/11/2024)
    (Hải Phòng, ngày 05/12/2024)


    [Cập nhật: 26/11/2024; Ban biên tập]

    Chi tiết..



  • © 2009 Trang tin của Hội Toán học Hà Nội

    website: http://hms.org.vn

    Điện thoại: 04-35576851 Email: hmsmnv@gmail.com.