Kì thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2018 được tổ chức từ ngày 26-3 đến 30-3-2018 tại Hà Nội, đã kết thúc thành công tốt đẹp. Lần đầu tiên kì thi được mở rộng ra quốc tế, có thí sinh của 8 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự cuộc thi (trong đó có 2 quốc gia châu Âu là Ba Lan và Hungary).
Kì thi HOMC 2018 là kì thi mở rộng quốc tế về Toán học, do một thành phố của Việt Nam - Thủ đô Hà Nội - tổ chức, do đó có một số thay đổi so với HOMC những năm trước. Được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và đào tạo và thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo cuộc thi. Sở Giáo dục-Đào tạo: đơn vị thường trực của ban chỉ đạo, phối hợp với Hội Toán học Hà Nội, các Sở, ngành địa phương thực hiện. Hội phụ trách phần chuyên môn của kì thi: ra đề, chỉ đạo chấm thi và hội thảo khoa học.
Thí sinh dự thi được tổ chức thành 2 bảng: Bảng A: 85 thí sinh 8 nước (Ba Lan, Philippin, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Trung quốc, Myama, Việt Nam) - Hungary có đoàn đến quan sát, không dự thi - gồm 43 thí sinh lứa tuổi Junior, 42 lứa tuổi Senior. Bảng B: 447 thí sinh của 23 tỉnh thành trong toàn quốc (Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Cạn và Hà Nội). Hai bảng đều thi chung 1 đề gồm 15 câu hỏi: 5 câu trắc nghiệm, 10 câu tự luận thi trong 120 phút (không phải 180 phút như trước). Riêng bảng A có thêm phần thi đồng đội, thi trong buổi sau.
Địa điểm thi được tổ chức tại 2 nơi: Bảng A thi tại trường Phổ thông liên cấp Olympia - Khu đô thị mới Trung Văn, phố Tố Hữu, Hà Nội; Bảng B thi tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam - Phố Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội. Lễ khai mạc được tiến hành vào 26-3-2018 tại trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chung cho cả 2 bảng A và B. Lễ bế mạc chiều 29-3-2018 tại trường Phổ thông liên cấp Olympia.
Việc chấm thi có 1 số cải tiến theo hướng tiếp cận cách chấm thi quốc tế. Bài thi ở bảng A sau khi chấm xong, đã trao lại cho các đoàn (bản photo) để các đoàn có thể phản biện, đảm bảo tính chính xác, công khai và khách quan. Các GS trong Hội đồng đề và Hội đồng giám khảo đã có mặt tại Hội đồng chấm thi trong một buổi chiều để giải đáp các thắc mắc của thí sinh. Có một số thí sinh của các đoàn quốc tế tới trao đổi, được giải đáp một cách thỏa đáng, đều vui vẻ chấp nhận kết quả đạt được. Việc trao thưởng, ngoài giải cá nhân có thêm giải đồng đội và giải đặc biệt cho cuộc thi đồng đội tại bảng A. Lễ trao thưởng được tiến hành trong buổi bế mạc. - Bảng A có tổng số 55 giải cá nhân: 11 Vàng, 18 Bạc và 26 Đồng. (trong số 11 Vàng, Việt Nam đạt 4, còn lại là Indonesia, Philippines, Thái Lan và Trung Quốc). Xếp loại đồng đội - Nhất: Indonesia (lứa tuổi Senior), Việt Nam (lứa tuổi Junior). - Nhì: Việt Nam (lứa tuổi Senior), Trung Quốc (lứa tuổi Junior). Giải đặc biệt của cuộc thi đồng đội tại bảng A được trao cho Philippines (lứa tuổi Junior) và Việt Nam (lứa tuổi Senior) - Bảng B có tổng số 281 giải cá nhân: 48 Vàng, 90 Bạc, 43 Đồng. Xếp loại đồng đội: Nhất đồng đội: lứa tuổi Junior (quận Đống Đa và trường Hà Nội - Amsterdam), Nhì đồng đội: lứa tuổi Senior (tỉnh Nam Định và trường Hà Nội - Amsterdam). Đặc biệt trong kì thi HOMC 2018 có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 150/150 (14 kì thi HOMC trước đây, chưa có thí sinh nào đat được kết quả như vậy). Trong khuôn khổ của chương trình HOMC 2018, sáng ngày 27-3-2018 tại hội trường 200, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã diễn ra Hội thảo khoa học “Các phương pháp giảng dạy Toán học” do Hội Toán học Hà Nội chủ trì. Tham dự hội thảo có lãnh đạo và thành viên của các đoàn quốc tế, các trưởng đoàn của các tỉnh thành có học sinh tham gia thi HOMC 2018 và đông đảo hội viên hội Toán học Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, TS. Lê Ngọc Quang dự, phát biểu chào mừng. Điều hành Hội thảo: GS.TSKH Đỗ Ngọc Diệp, GS.TSKH Lê Hùng Sơn. Có 5 báo cáo khoa học đã được trình bày và thảo luận, gồm báo cáo của: PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Hùng Sơn, Đại học Tổng hợp Warsawa, TS. Nguyễn Thanh Hồng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và TS. Nguyễn Văn Lợi, Hội Toán học Hà Nội và báo cáo về lịch sử và thuật toán giải bài toán Tháp Hà Nội của PGS.TS Tạ Duy Phượng (Viện Toan học). Các báo cáo và thảo luận đều dùng tiếng Anh. GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu đề dẫn và tổng kết hội thảo. Các đoàn học sinh quốc tế cũng như học sinh Việt Nam được tổ chức thăm quan, giới thiệu thủ đô ngàn năm văn hiến, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người, nền văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chiều 29-3-2018, trước lễ bế mạc, có cuộc giao lưu giữa các học sinh quốc tế với học sinh trường Phổ thông liên cấp Olympia. Phát biểu tại lễ bế mạc, TS. Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục -Đào tạo Hà Nội, Phó trưởng ban chỉ đạo kì thi HOMC 2018 khẳng định kì thi đã thành công về nhiều mặt. Việc tổ chức kì thi, ngoài việc thúc đẩy phong trào học tập còn là cơ hội tốt nhất để chia sẻ và làm phong phú thêm kiến thức về Toán học và văn hóa. Là dịp để các bạn trẻ thuộc nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa có cơ hội tìm hiểu, học hỏi giao lưu nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị vì lợi ích của mỗi người dân, mỗi dân tộc. Giám đốc Chử Xuân Dũng đề nghị mỗi chúng ta có trách nhiệm làm cho những kết quả tốt đẹp của kì thi này lan tỏa, tiếp tục tôn vinh những nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách trí tuệ. Bắt đầu từ thời điểm này chúng ta hãy chuẩn bị cho một hành trình mới hướng tới cuộc hội ngộ trong kì thi HOMC năm 2019. Hẹn gặp lại HOMC năm sau.
Tin và ảnh: Thẩm Ngọc Khuê Phó Tổng thư ký Hội Toán học Hà Nội
Một số hình ảnh tại HOMC 2018 (http://data.hus.vnu.edu.vn/hms/_homc_2018/)
|