Ngày 6 tháng 2 năm 2025 Trang chủ   |   Giới thiệu   |   Sự kiện   |   Album ảnh   |   Đăng ký   |   Thư viện   |   Liên hệ  
 
Thông tin chính
 Tổ chức-Điều lệ
 Tin tức -Sự kiện
 Olympic Toán SVQT
 Olympic Hà Nội MR
 Trại hè Hùng Vương
 Trại hè Phương Nam
 Olympic Singapore
 Hội nghị khoa học
 Kỷ niệm 30 năm
 Thông báo của Hội
 
Thư viện Tài liệu
 CLB Hội Toán học
 Nhà toán học
 Ảnh nghệ thuật
 Trao đổi Học thuật
 Trang thơ, văn học
 Công nghệ mới
 
Liên kết ngoài
Album ảnh kkhối chuyên Toán Tin
Website hội toán học VN
Tạp chí toán học tuổi trẻ
Website hội ứng dụng Toán học VN
   Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán
 
 
 
SỘP-MỘT ĐẠI DIỆN CỦA MỘT THẾ HỆ TOÁN VIỆT NAM
 

SỘP-MỘT ĐẠI DIỆN CỦA MỘT THẾ HỆ TOÁN VIỆT NAM

Tạ Duy Phượng

1.  Tôi băn khoăn khi đặt tít cho bài viết: Dùng từ Sộp hay Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Văn Nhung… Sộp thì nghe dân dã quá, mà Giáo sư Tiến sĩ Khoa học thì nghe hơi trịnh trọng quá, mà vẫn chưa đủ, chả lẽ lại thêm: Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyên Tổng thư kí Hội đồng Học hàm học vị, rồi còn bao nhiêu thứ Nguyên khác (Nguyên Hội trưởng Hội toán học Hà Nội,…). Nhưng cuối cùng tôi quyết định dùng Sộp, vì Sộp nói lên được sự trưởng thành của cả một thế hệ vượt lên cái khổ của thời đại, và có lẽ bác Nhung cũng thích từ này, vì bác đã có cả một quyển sách tái bản 4 lần với tiêu đề Sộp thành nhà giáo cơ mà…

Tôi rất cảm động khi được Giáo sư Nhung cho hai quyển sách: Sộp thành nhà giáoĐịnh lý cuối cùng của Fermat. Cũng không ngờ lại được Ông quý thế, còn gọi đi ăn trưa (GS Nhung trả tiền) cùng với cha con GS Phùng Hồ và GS Phùng Hồ Hải tại khách sạn Daewoo nữa…

Khi đọc đến nửa quyển Sộp thành nhà giáo, tôi nảy ra ý định viết một bài về Giáo sư Trần Văn Nhung. Nói chuyện, Giáo sư Nhung khuyên nên viết về một thế hệ toán học Việt Nam, trong đó Giáo sư Nhung chỉ là một củ khoai tây nhỏ "a small potato" (chữ của Giáo sư Nhung), thậm chí Ông còn gợi ý tôi viết về Ngô Việt Trung, Đinh Thế Lục,…Tất nhiên các anh Lục, anh Trung tôi cũng quen, vì cùng ở Viện Toán, thậm chí tôi còn luộc loạt bài về An Abstract Problem in Variational Analysis (2008-2014) và quyển sách Multiobjective Linear Programming: An Introduction (2015) của anh Lục để làm đề tài cho bốn luận văn Cao học bảo vệ tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Chưa kể tôi đã sử dụng các sách báo của GS Lục để làm nghiên cứu. Tôi cũng đã cùng viết sách giáo trình Đại học hoặc tham gia viết sách giáo khoa Lớp 6 mà Giáo sư Lục làm Tổng chủ biên (bộ sách này sau Nhà xuất bản Giáo dục ghép với bộ sách khác).  Nhưng, có lẽ chưa có duyên với anh Lục, anh Trung, vậy cứ viết về anh Nhung, lấy Giáo sư Nhung làm điểm nhấn, như một đại diện, để nói về một thế hệ làm toán, nay ở tuổi 70,… 

Lần đầu tôi gặp anh Nhung là vào năm 1976. Khi ấy anh là cán bộ giảng dạy trẻ, có tài của Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đang soạn cuốn Bài tập Phương trình vi phân cùng với Giáo sư Nguyễn Thế Hoàn, còn tôi đang là cán bộ Viện Toán, ăn lương thực tập hai năm. Chúng tôi cùng đi nghe bài giảng của Giáo sư Phạm Hữu Sách cho sinh viên năm thứ tư. Tôi đi học buổi đực buổi cái, nên phải mượn vở ghi của Giáo sư Nhung, đến lần sau đi học, không thấy Giáo sư Nhung (có lẽ bận chuẩn bị thi nghiên cứu sinh), thế là giữ cuốn vở của anh Nhung đến giờ chưa trả lại…

Và bây giờ, lại thường xuyên gặp anh trong các buổi Seminar của Giáo sư Nguyễn Văn Mậu,…

2 Đọc Sộp, tôi thấy hiện lên một thế hệ các nhà khoa học Việt Nam nói chung, một thế hệ toán học Việt Nam nói riêng, sinh ra trong chiến tranh (chống Pháp), lớn lên trong hòa bình và trong chiến tranh (chống Mỹ), trưởng thành trong thời bao cấp, rất đói và rất khổ, nhưng được thừa hưởng chính sách và chủ trương đúng của Đảng và nhà nước, nên đã vượt qua mọi khó khăn, và trưởng thành. Đến nay, thế hệ này cũng đã 70 tuổi, kể cả những Giáo sư cũng đã về hưu,…

Thế hệ này nửa đời đầu (trước 30 tuổi) là đói và khổ. Nhiều người sinh vào những năm 47-54, nay đã 70, có lẽ còn nhớ cảnh loạn lạc, ngồi trong thúng một bên, bên kia là những thứ chổi cùn rế rách, hoặc thậm chí hai hòn gạch, được mẹ hoặc chị gánh đi tản cư, chạy loạn,…Có người như Giáo sư Nguyễn Xuân Tấn, có cha là là đội trưởng du kích xã, bị giặc bắt và đã hi sinh,…  

Được vài năm hòa bình, đi bộ đi học, trường cách nhà 6-10 km, rồi cấp II, cấp III, vào những năm 64-69, thì đầu đội mũ rơm, đến lớp thì phải đào hầm, nhiều khi máy bay, chui vào hầm thấy rắn ra không dám ra vì bên ngoài máy bay đang quần thảo, vào không dám vào vì sợ làm kinh động rắn. Đành đứng im ngoài cửa hầm chờ máy bay bay khỏi, lại vào lớp học tiếp giờ học, bình thường như chẳng có gì xảy ra… Ngồi học trong lán tranh, mưa nắng rọi đổ lên đầu. Lớp học ngoài có lũy để tránh bom bi và phải đào sâu xuống thấp nửa mét, nghỉ tết xong đi học lại, giun đùn lên khắp nền lớp.…

Sáng ra đi học thường nhịn đói, may lắm là được vài củ khoai luộc, trưa tối thì cũng chỉ cơm độn khoai, ngô…

Đói đến mức đã thành vè: “Đói ăn hau háu/là các cháu 22” (22 đ là học bổng sinh viên, cũng là tuổi thanh niên, tuổi ăn mà không có gì để ăn, ăn xong tiêu chuẩn mỗi người là một nắp hầm (bánh bao luộc, nặn khum khum như nắp hầm) và vài ngụm canh, về nhà chủ (trọ học nơi sơ tán) thấy chủ nhà dọn cơm, ngửi hơi cơm bốc lên mà bụng cồn cào,.... Khổ đến mức vào sách giáo khoa: “Mở lồng bàn ra thấy chỉ có đĩa rau luộc. Tí hỏi mẹ: Mẹ ơi, sao nhà ta không mua thịt mà ăn…”.

Người thành đạt, sau này làm đến Thứ trưởng, là Giáo sư Trần Văn Nhung, hồi bé, cũng đói. Ông viết (xem [1], trang 44): Bố mẹ tôi là những người nông dân chính cống. Mẹ tôi là một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, suốt đời cơ cực, đầu tắt mặt tối. Bà phải vừa lo cấy hái, vừa lo bữa cơm bữa cháo cho cả nhà bốn miệng ăn, cùng quẫn nhất là vào những dịp giáp hạt, tháng ba ngày tám. Chưa xong mùa đã hết thóc, vì phải trả nợ. Tôi còn nhớ có những khi nhà hết gạo, phải húp bát cháo loãng nấu bằng tép với mấy hạt gạo còn sót lại, tanh ngòm, hoặc ăn mấy hạt cơm hấp với cám, với củ dong riềng (quê tôi gọi là củ chóc), không thể nào nuốt được mặc dù bụng đói cồn cào.

Sáng đi học, chiều về đi làm hợp tác xã lấy công điểm phụ bố mẹ, hoặc chăn trâu, cắt cỏ, bắt châu chấu, tát vét bắt cá tôm,… Thời đó không có khái niệm đi học thêm. Tối về học bài bên ngọn đèn dầu…

Thế hệ này đói, ngay cả khi lớn lên, lấy vợ (vào những năm 75-85) rồi vẫn đói, nhìn thấy vợ bụng mang dạ chửa phải ăn cơm độn khoai, thức ăn chỉ là tương cà rau, thương đến rớm nước mắt… 

Đó là chưa kể chiến tranh đã cướp đi nhiều người giỏi trong thế hệ này… Họ đã vĩnh viễn nằm xuống, nay có người còn chưa tìm được mộ, bỏ dở ước mơ nhỏ nhoi là được trở thành kĩ sư, giáo viên…

Nhưng thế hệ này may mắn. May mắn đầu tiên là bình đẳng (tương đối). Xã hội tạo điều kiện để tất cả trẻ em được đến trường. Các em có năng khiếu được nhà trường quan tâm bồi dưỡng miễn phí. Nhiều giáo sư, tiến sĩ của thế hệ này xuất thân từ nhà nghèo, nông dân. Trần Văn Nhung là một đại diện.

May mắn thứ hai là Chương trình học toàn diện một cách thực chất, không chỉ là những khẩu hiệu suông hoặc các thành tích ảo.  Nhiều người (các Giáo sư Hà Huy Khoái, Trần Văn Nhung, Nguyễn Đông Yên,…) đã đoạt giải thi Học sinh giỏi Văn lớp 7, lớp 10 cấp Huyện, Tỉnh hoặc miền Bắc rồi mới đi học Toán. Nhiều người, thày giáo dạy toán chọn vào đội tuyển toán, thày giáo dạy văn chọn vào đội tuyển văn. Có nhiều người đi thi học sinh giỏi cả văn lẫn toán. Ngay cả Thể dục cũng được quan tâm. Giáo sư Hoàng Xuân Phú (cũng có thể coi cùng thế hệ với Giáo sư Trần Văn Nhung) viết (xem [3]):  Nếu có bị phê phán về chất lượng giáo dục thì người ta thường lôi khó khăn về kinh phí ra làm lá khiên chống đỡ. Nhưng làm sao đỡ kín được tứ phương? Thuở tôi đi học phổ thông cấp 2 (lớp 5-7), trường phải sơ tán mỗi nơi một lớp để tránh bom Mỹ. Lớp tôi dựng cạnh một ngôi chùa, ở giữa đồng mông quạnh. Đến ghế băng bằng gỗ cũng không có, nên chúng tôi phải lấy 3 đoạn tre ghép lại với nhau, để ngồi học, cứ nhấp nhổm vì đau... Vậy mà cô giáo vẫn chỉ đạo lấy 2 khúc gỗ xoan, đục lỗ, xuyên qua đó một đoạn tre rồi dựng lên cạnh lớp, làm xà đơn để học môn thể dục. Khi tôi học cấp 3 (lớp 8-10), có xà đơn và xà kép cho nam, xà lệch và cầu thăng bằng cho nữ - một nửa là thầy trò tự làm. Vẫn chưa đủ, cô giáo thể dục huy động học sinh đóng mấy cọc tre làm cốt, rồi lấy đất thịt đắp lên làm “cừu” để tập nhảy. Những năm tháng sống dưới bom đạn, bát cơm không có mà ăn, cái quần lành không có để mặc, mà tiết thể dục còn được các thầy cô lo liệu, thu xếp như vậy. Còn bây giờ, giữa thời buổi no đủ, xe máy chạy chật đường, quán chơi điện tử mọc khắp nơi, sân gôn lấn sân tennis, thì tiết thể dục ở các trường được tổ chức thế nào? Mọi người cứ thử hỏi con cháu mà xem! “Dạo này con học gì trong tiết thể dục ở trường?” Dù lớp 5, lớp 9, hay lớp 12, câu trả lời thường gặp là “chạy” hoặc “nhảy xa”. Không mấy khi có chuyện nhảy cao. Các môn thể dục dụng cụ như xà đơn, xà kép, xà lệch, cầu thăng bằng hay nhảy cừu, nhảy ngựa thì có lẽ bị “tuyệt chủng”. Ở các trường trọng điểm giữa những thành phố lớn đã như thế, chứ đừng nói đến vùng sâu, vùng xa. Thành thử nhiều cháu bây giờ cao hơn bố, béo hơn mẹ, nhưng vén tay áo lên thì chẳng thấy cơ bắp đâu cả. Giáo dục thể chất teo biến như vậy thì lấy gì để biện minh cho kết quả giáo dục toàn diện?

 May mắn thứ ba là, mặc dù nhiều khó khăn (kinh tế, chiến tranh) và phải lo nhiều việc, Đảng và nhà nước vẫn có chính sách bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Không phải ngẫu nhiên mà cùng một năm (sinh 1958) xuất hiện hai ngôi sao: Thần đồng văn học Trần Đăng Khoa và thần đồng toán học Phạm Ngọc Ánh, chưa kể đến các ngôi sao (cùng sinh năm 1958) tỏa sáng muộn hơn (Nguyễn Đông Yên,…). Biết Phạm Ngọc Ánh lớp 2 giải được toán lớp 7, thày Hiệu trưởng Trần Đình Giạn (cũng gốc giáo viên toán, người miền Nam tập kết) cho ngay vào nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi và cho đi thi học sinh giỏi lớp 7 cấp Huyện. Sau đó, tôi không biết cấp nào (Phòng Giáo dục, Ty hay Bộ?) quyết định cho Ánh nhảy cóc lên học lớp 6. Bây giờ Giám đốc Sở hay thậm chí Bộ trưởng kí quyết định ấy, chắc bị ăn cả rổ gạch đá.  

Các Giáo sư Hoàng Tụy, Lê Văn Thiêm đã có kế hoạch bồi dưỡng học sinh năng khiếu toán ngay cả trước khi lớp A0 (khóa đầu: 1967. GS Trần Văn Nhung học khóa này) được thành lập. Giáo sư Phan Quốc Khánh viết ([3], trang 20): Tôi tham gia lớp ngoại khoá toán do Giáo sư Hoàng Tụy tổ chức năm 1963 cho học sinh cấp 3 (thời đó lớp là đặc biệt, vì chưa có trường chuyên, lớp chọn). Tôi qua được kỳ kiểm tra “đầu vào” cũng nhẹ nhàng và rất say mê với bài giảng về lát và lưới của GS. Lê Văn Thiêm (Phó Hiệu trưởng ĐH Tổng hợp), bài giảng về lý thuyết tập hợp và phép toán mệnh đề của GS. Hoàng Tụy (Chủ nhiệm khoa Toán, mà tôi đã rất thích, của trường này), bài giảng về xác suất của PTS Trần Vinh Hiển (mới bảo vệ ở Liên Xô về), cùng nhiều giờ dạy thay của thầy My, thầy Lâm (mới tốt nghiệp và trở thành giảng viên khoa Toán). Sau này thầy My vẫn hay gọi đùa lớp ngoại khoá này là A(-1), vì các thế hệ học sinh chuyên toán A0 đã nổi tiếng.    

Các lớp toán đặc biệt của các trường Đại học và các tỉnh đã đào tạo được nhiều người làm và dạy toán giỏi của thế hệ này: các GS Trần Văn Nhung, Đào Trọng Thi (A0, ĐHTH); Ngô Việt Trung, Đinh Dũng (Chuyên Hà Nội); Đinh Thế Lục (Chuyên Ninh Bình), Phạm Ngọc Ánh, Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Đông Yên (ĐHSP Hà Nội), Phạm Thế Long, Lê Tuấn Hoa (ĐHSP Vinh),… Danh sách trên chỉ là chợt nhớ, không thể kể hết được, mong được lượng thứ.

May mắn thứ tư là mặc dù chiến tranh, rất cần người cho mặt trận, Nhà nước vẫn có chính sách gửi người đi học ở nước ngoài. Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh, sang các nước xã hội chủ nghĩa học tập, bảo vệ luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học. Những người này đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất.

Chất lượng giáo dục khá đồng đềuđạt chuẩn. Nhiều người chỉ học trường làng, sau cũng thành danh (GS Nguyễn Văn Mậu, GS Trần Đức Vân, GS Hoàng Xuân Phú, GS Nguyễn Xuân Tấn, …). Nhiều người chỉ học Đại học trong nước, sau này ra nước ngoài vẫn bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa  học (GS Trần Văn Nhung, GS Nguyễn Tố Như,…). Nhiều người được đào tạo hoàn toàn trong nước, sau vẫn thành công và thành danh (GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS Lê Mậu Hải, …). Thậm chí có người đi bộ đội, sau về học tiếp đại học, vẫn thành công và thành danh (GS Nguyễn Hữu Dư, PGS Nguyễn Văn Châu, …). Có được như vậy một phần là vì có nền học vấn phổ thông cơ bản và toàn diện. Đây có lẽ cũng là hiện tượng đáng để các nhà giáo dục và cải cách giáo dục suy ngẫm…

Chất lượng Giáo dục phổ thông và Giáo dục đại học trong thời chiến khá cao, cao đến mức đáng ngạc nhiên. Mặc dù phải học trong điều kiện đói và khổ, các học sinh từ nông thôn sang nước bạn vẫn theo kịp và đứng vào top đầu lớp của các trường Đại học danh tiếng (Lomonosov, Vacsava, Praha, Minsk,…). Nhiều người (GS Hoàng Tụy, GS Phan Đức Chính, …) làm ngạc nhiên cả những ông Thày nổi tiếng thế giới. Đúng là khi vận nước lên thì mọi ngành đều lên. Theo tôi, thời chiến tranh cũng chinh là thời hoàng kim nhất cho tới nay của Giáo dục và Đào tạo.

May mắn thứ năm của thế hệ này là sau khi được đào tạo, là được sử dụng ngay và đúng chỗ (về các Viện nghiên cứu hoặc các trường đại học, các Bộ, Ngành,…). Những người tài, sau khi bộc lộ (bảo vệ TSKH,…) được sử dụng vào các cương vị lãnh đạo, mà không phải chạy chức như bây giờ (các GS Đào Trọng Thi, Trần Văn Nhung, Nguyễn Văn Mậu, GS Trần Đức Vân, PGS Hồ Đức Việt,…). Những người tài có thể ra nước ngoài làm Giáo sư (các Giáo sư Nguyễn Tố Như, Đinh Thế Lục, Vũ Quốc Phóng…).

3 Vĩ thanh Ở cương vị lãnh đạo nào, Giáo sư Trần Văn Nhung cũng có nhiều sáng kiến và đấu tranh cho lẽ phải. Đọc Sộp, bạn sẽ thấy một Trần Văn Nhung với nhiều đóng góp cho xã hội. Thí dụ, khi dẫn đoàn Việt Nam sang Mỹ tham dự Đại hội thể thao đại học thế giới 1993, Ông đã đấu tranh gay gắt để cuối cùng, Ban Tổ chức phải sang tận Canada mua, và cờ đỏ sao vàng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được kéo lên trong ngày khai mạc, sánh vai với các cường quốc năm châu… Một ví dụ này đủ để nói lên lòng tự trọng, tự hào dân tộc và bản lĩnh của một vị quan chức nhà nước, Giáo sư Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi lãnh trách nhiệm thay mặt tổ quốc. Ngay cả khi về hưu, Ông vẫn còn nhiều trăn trở về Giáo dục, cải cách giáo dục. Vốn là người giỏi ngoại ngữ, GS Nhung thấu hiểu những thiệt thòi của người Việt Nam khi kém ngoại ngữ. Trong thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư 2015, GS Nhung viết ([1], trang 241): Khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ tốc độ hội nhập Quốc tế, xây dựng và củng cố Quốc phòng, an ninh và phát triển văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Và Ông Kết luận: Tôi xin đề nghị Bộ chính trị, xuất phát từ thực tiễn cuốc sống, xem xét, tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm quý báu của chính đất nước ta (từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh), của Singapore và Lý Quang Diệu, của các nước phát triển thần kì khác, để có quốc sách phù hợp cho tiếng Anh song hành cùng CNTT ở Việt Nam.

Tôi không biết Bộ Chính trị hay Ban Bí thư đã ra nghị quyết nào sau bức tâm thư của Giáo sư Nhung chưa, nhưng rất nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng sau bức thư này (xem [1], trang 246-262). Và thực tế đời sống đang thúc đẩy mạnh phong trào học tiếng Anh. Nói riêng trong toán, rất nhiều lớp Toán Tiếng Anh đã được mở ra tại các Trung tâm, nhiều cuộc thi Toán Tiếng Anh của nước ngoài (Mỹ, Singapore, Úc, Thái Lan,…) được tổ chức tại Việt Nam…

Cuối cùng, tôi muốn nói về sự tham gia của Giáo sư Nhung trong Seminar của Giáo sư Nguyễn Văn Mậu. Những bình luận và góp ý của GS Trần Văn Nhung giúp các tác giả nhìn vấn đề rộng hơn, bản chất toán học hơn. Thí dụ, khi bình luận về phương trình nghiệm nguyên, GS Nhung muốn tác giả không chỉ liệt kê các dạng phương trình nghiệm nguyên, mà còn nhìn vị trí và vai trò của phương trình nghiệm nguyên trong phát triển nội tại của toán học và ứng dụng trong đời sống (mật mã,…).

Đọc Sộp thành nhà giáo, ta hiểu thêm ra nhiều điều. Mấy thí dụ trên chỉ là một vài điểm nhấn.

Bài viết này chỉ là phác thảo đôi nét về Nhà giáo, nhà quản lý và con người Trần Văn Nhung, như một đại diện của một thế hệ làm toán, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, trưởng thành trong thời bao cấp, được may mắn thừa hưởng những chính sách đúng đắn về giáo dục một thời…

Tài liệu:    

 [1] Trần văn Nhung, Sộp thành nhà giáo, Tái bản lần thứ tư, 2018, 832 trang.

[2] Phan Quốc Khánh, Nhớ Thầy Hoàng Tụy, Thông tin Toán học, Tập 24, Số 3, tháng 9-2020, trang 19-24.

[3] Hoàng Xuân Phú, Hoàng Tụy (1927-2020) in trong Ký ức Viện Toán (Lưu hành nội bộ, chưa in).

  

     

     

              

 

 

[ Cập nhật: 11/4/2024; Tạ Duy Phượng]
  • Về trang tin
    HMS.ORG.VN : SỘP-MỘT ĐẠI DIỆN CỦA MỘT THẾ HỆ TOÁN VIỆT NAM
    Tin liên quan:\ Tin tức -Sự kiện
    SEMINAR KHOA HỌC GIẢI TÍCH – ĐẠI SỐ TẠI ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI (27/12/2024)
    Ngày 26/12/2024, Seminar kết thúc Học kỳ 1 năm học 2024 – 2025 của Hội Toán học Hà Nội đã được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm ôn lại kỷ niệm 55 năm truyền thống của Seminar Phương trình Vật Lý – Toán. Đây là Seminar khoa học về lĩnh vực phương trình đạo hàm riêng do các GS Nguyễn Đình Trí (ĐHBK Hà Nội) và GS Nguyễn Thừa Hợp (ĐHTH Hà Nội) đồng tổ chức từ năm 1969.



    [Cập nhật: 27/12/2024; Ban biên tập]

    Chi tiết..


    SEMINAR KHOA HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI (21/12/2024)
    Nhằm thực hiện liên kết thường niên của khối các trường, viện, hội và đưa ứng dụng của các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy, Hội Toán học Hà Nội phối hợp với Khoa Toán-Tin tổ chức Seminar khoa học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 19/12/2024. Được thành lập từ những ngày đầu cùng với Trường Sư phạm Cao cấp (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) năm 1951, Khoa Toán trước đây, Khoa Toán-Tin ngày nay (tên gọi được chính thức sử dụng từ năm 1995), địa chỉ tại 136 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là một trong những đơn vị hàng đầu của cả nước về nghiên cứu và giảng dạy Toán học.
    Seminar hân hạnh được đón tiếp các nhà khoa học, nhà giáo lão thành, các thầy giáo, cô giáo bộ môn Toán khối các trường Đại học, Cao đẳng, trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lận cận tham dự.


    [Cập nhật: 20/12/2-24; Ban biên tập]

    Chi tiết..


    VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC CÁC CHUYÊN ĐỀ OLYMPIC TOÁN HỌC CẬP NHẬT CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018  KỶ NIỆM 50 NĂM VIỆT NAM THAM DỰ IMO (7/12/2024)
    (Trường THPT Chuyên Trần Phú TP Hải Phòng đăng cai tổ chức)
    Thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các chương trình bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cập nhật các chương trình GDPT 2018 và tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến quốc tế thiết thực kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), hội Toán học Hà Nội cùng Sở GD&ĐT Hải Phòng và Trường THPT Chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng đồng tổ chức hội thảo khoa học:
    Các chuyên đề Olympic Toán học cập nhật chương trình GDPT 2018
    tổ chức vào ngày 05/12/2024 tại Trường THPT Chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng.


    [Cập nhật: 7/12/2024; Ban biên tập]

    Chi tiết..


    THÔNG BÁO VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC CÁC CHUYÊN ĐỀ OLYMPIC TOÁN HỌC CẬP NHẬT CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 (26/11/2024)
    (Hải Phòng, ngày 05/12/2024)


    [Cập nhật: 26/11/2024; Ban biên tập]

    Chi tiết..



  • © 2009 Trang tin của Hội Toán học Hà Nội

    website: http://hms.org.vn

    Điện thoại: 04-35576851 Email: hmsmnv@gmail.com.