Mùa hè sôi động năm 2024 có một mốc thời gian đáng lưu nhớ đó là GS. TSKH. NGND. Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Hội Toán Học Hà Nội tròn 75 tuổi. Các thế hệ học trò của Thầy và Hội Toán Hà Nội đã nhiều lần xin được Thầy cho phép tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 75 của Thầy như Thầy đã làm cho các thầy cô cao tuổi là thành viên của Hội Toán học Hà Nội, nhưng với sự giản dị vốn có của Thầy, chưa lần nào chúng tôi được toại nguyện. Cuối cùng bằng sự thống nhất cao, sự kiện này cũng được diễn ra mà không được sự cho phép của Thầy tại Hội thảo Khoa học kỉ niệm 50 năm Việt Nam tham dự IMO tổ chức tại trường THPT Chuyên Hùng Vương tỉnh Phú Thọ.
Tại đây, PGS. TS Trần Huy Hổ là người anh, người đồng nghiệp, người bạn đã nhiều năm cùng công tác đã chia sẻ rõ hơn về quá trình học tập, nghiên cứu và cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục của GS. TSKH. NGND Nguyễn Văn Mậu: Xin mở đầu bằng hình ảnh một Nguyễn Văn Mậu 18 tuổi được cử đi học ở Liên Xô vào cuối những năm sáu mươi, đầu bẩy mươi của thế kỷ trước. GS Nguyễn Văn Mậu sinh ngày 10 tháng Tư năm 1949 tại một xã thuần nông thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Với thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, năm 1967 Anh được cử đi học tại Liên Xô. Lúc đầu Anh được học tiếng Nga tại một trường đại học tại Moskva (MADI) để chuẩn bị cho ngành học Máy Xây dựng và Cầu đường. Trong những ngày học tiếng Nga, Anh tham gia một cuộc thi giải toán giành cho lưu học sinh ở Matxcova và Anh giành giải Nhất. Tin vui được báo cáo lên Đại Sứ quán và Anh được chuyển sang học Đại học Tổng hợp Toán. Học xong lớp tiếng Nga, Anh được chuyển đến học Toán tại trường Tổng hợp quốc gia Belarutxia (Minsk khi ấy là một trong những trung tâm toán học mạnh của Liên Xô). Chỉ qua một học kỳ đầu, bất chấp những rào cản về ngôn ngữ, Anh đã được thầy dạy bài tập môn Giải tích coi như một cán sự toán của lớp để giúp cho lớp sinh viên giải các bài tập khó. Đó là một điều vô cùng thú vị và hiếm thấy, có lẽ điều đó đã gieo mầm nên một nhà khoa học tương lai. Ngày ấy, cùng làm nghiên cứu sinh tại trường Tổng hợp Minsk có thầy Phạm Văn Điểu. Anh Điều vốn là giáo viên chủ nhiệm lớp Ao Chuyên toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau này, năm 1973, anh Điều bằng mọi cách xin sinh viên tốt nghiệp bằng đỏ Nguyễn Văn Mậu về dạy Chuyên Toán, chuẩn bị cho học sinh Việt Nam tham tham dự thi Olympic Toán quốc tế vào năm 1974. Nguyễn Văn Mậu trở thành cán bộ giảng dạy thuộc Khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng lại thuộc sự quản lý của Tổ Chuyên Toán. Ước mơ chuyển tiếp sinh làm tiến sỹ toán của Anh chẳng lẽ dang dở tại đây? Không, Nguyễn Văn Mậu vẫn dậy toán cho các lớp chuyên Toán nhưng Anh vẫn về khoa Tóan - Cơ sinh hoạt khoa học với bộ môn Giải tích dạy bài tập Hàm biến phức. Quen rồi thân nhau, tôi “rủ” Mậu đi dự semina Phương trình vi phân đạo hàm riêng của anh Nguyễn Thừa Hợp và anh Nguyễn Đình Trí từ những năm 1977. Trong những năm đầu dự Semina, anh Mậu đã trình bày các kết quả của mình về Lý thuyết các bài toán biên và phương trình tích phân kỳ dị đã được nhận đăng trên các tạp chí có tiếng của Liên Xô (TC Phương trình vi phân và Dokl Academia BCCR). Đó thật sư là một điều vô cùng bất ngờ với mọi người. Chỉ chừng 5 năm sau khi về nước, Anh hầu như đã có đủ nội dung một luận văn Phó Tiến sĩ. Anh là cán bộ trẻ đầu tiên của Việt Nam được bảo vệ đặc cách luận án Phó Tiến sĩ (nay là TS) ở trong nước vào đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ trước.
Vào giữa những năm tám mươi thế kỷ trước, anh Mậu được cử đi làm thực tập sinh cao cấp tại Ba Lan. Thời ấy, kinh tế khó khăn, ai được đi nước ngoài là dịp để buôn bán kiếm ăn. Vậy mà thầy Nguyễn Văn Mậu vẫn tìm ra một giải pháp để tự thoát khỏi cái “vòng kim cô” buôn bán kiếm sống để làm khoa học, ấy cũng là một điều rất lạ. Sau này nghĩ lại người ta mới ngộ ra một điều rằng chỉ có những ý chí sắt thép mới có thể làm khoa học trong thời buổi người người đi buôn, nhà nhà đi buôn ấy. Khi sang Ba Lan làm thực tập sinh cao cấp tức là để tìm hướng nghiên cứu và công bố các công trình đủ để viết một luận án Tiến sĩ khoa học ở một trình độ cao về lý luận cũng như trong ứng dụng. Tuy nhiên, với Nguyễn Văn Mậu hành trang Anh mang sang Ba Lan thực chất đã đủ nội dung một luận văn Tiến sĩ Khoa học. Đấy là điều mà các nhà toán học Ba Lan khảng định trong các bản Nhận xét Khoa học khi đọc bản thảo Luận văn Tiến sĩ khoa học cuả Anh. Để bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học người ta khuyên Anh phải đi báo cáo tại các trung tâm khoa học có uy tín của Liên Xô và LB Đức để xin nhận xét của các nhà Toán học danh tiếng. Khăn gói lên đường Anh sang Odessa, Minsk rồi đến Rostok để xin được trình bày tại các semina lớn. Lưu ý rằng, ở Liên Xô nếu bạn là sinh viên thì bao nhiêu năm sau khi bạn sang lại chốn cũ, bạn vẫn chỉ được nhìn nhận là một học trò cũ. Tuy nhiên, ở mọi nơi Nguyễn Văn Mậu đến, Anh đều nhận được những lời nhận xét hết sức tốt đẹp về các kết quả khoa học đã đạt được đủ để làm nội dung một Luận án Tiến sĩ Toán học. Vậy là Luận án Tiến sĩ Khoa học chứa những kết quả rất cơ bản về Các lớp phương trình tích phân kỳ dị mà Anh đã thu được trong khoảng năm năm làm việc tại Việt Nam vào giữa những năm tám mươi đã được bảo vệ thành công mà không cần sự đỡ đầu của một giáo sư đầu ngành nào cả (đó là một hiện tượng hiếm gặp). Thời gian hai năm còn lại của khóa thực tập sinh cao cấp, Anh tìm hiểu một hướng mới của Lý thuyết giải tích đại số, trong đó các lớp bài toán được phân loại theo các tiêu chuẩn của các lớp toán tử khả nghịch phải. Các kết quả thu được tổng kết trong một chuyên khảo dày hàng trăm trang sách và được xuất bản tại Ba Lan trước khi Anh kết thúc khóa thực tập sinh cao cấp rất thành công tại Ba Lan vào năm 1990. Về nước năm 1990, Anh được biên chế chính thức về bộ môn Giải tích của khoa Toán - Cơ -Tin học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và không lâu sau Anh được bầu làm Chủ nhiệm Bộ môn Giải tích. Đồng hành với công tác giảng dạy ở bậc đại học và các lớp chuyên toán thầy Nguyễn Văn Mậu tổ chức semina Giải tích đại số sinh hoạt hàng tuần vào sáng thứ năm. Điều đặc biệt là trong mỗi buổi semina thường có hai báo cáo: Báo cáo thứ nhất về các vấn đề của giải tích hiện đại; Báo cáo thứ hai về các vấn đề của toán học sơ cấp nhìn từ góc độ toán học cao cấp. Có thể nói hiếm có một semina toán học nào làm được hai việc cùng một lúc như semina của GS Nguyễn Văn Mậu. Vậy mà nó đã tồn tại suốt một phần ba thế kỷ cho tới tận thời điểm này. Biết bao nhiêu luận án Tiến sĩ đã được trình bầy, góp ý từ semina này, chứng tỏ sức lan tỏa hoạt động của GS Nguyễn Văn Mậu trong cộng đồng Toán học nước ta là rất đáng trân trọng. Đồng thời với việc tiếp tục nghiên cứu khoa học của riêng mình Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Mậu còn hướng dẫn các lớp học trò làm luận văn Tiến sĩ. Hai hướng nghiên cứu chính mà các học trò của GS Nguyễn Văn Mậu đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ thuộc về lý thuyết các bài toán biên và tích phân kỳ dị (Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Đăng Tuấn, Nguyễn Tấn Hòa) và lý thuyết giải tích đại số (Phạm Quang Hưng, Nguyễn Vũ Lương, Phạm Thị Bạch Ngọc, Trần Thị Tạo). Ngoài hai hướng trên dưới sự hướng dẫn của thầy Mậu các học trò đã bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ về các vấn đề của giải tích hiện đại: Giải tích Clifford, các phép biến đổi tích phân, các bài toán của phương trình vi phân, sai phân (Trịnh Đào Chiến, Nguyễn Cảnh Lương, Đinh Công Hướng, Trịnh Tuân, Nguyễn Minh Khoa, ...). Một số bạn trẻ tuy không là học trò trực tiếp của thầy Mậu nhưng đều tự nhận mình như một học trò thực thụ của thầy trong các lĩnh vực mà mình quan tâm về giảng dạy và đào tạo các bậc học từ Đại học đến Phổ thông Trung học, Phổ thông Cơ sở. Không có kỳ vọng kể hết tên của tất cả học trò của Thầy chỉ xin điểm qua những gương mặt điển hình trong số những học trò của Thầy, đó là: Trịnh Đào Chiến, Trần Nam Dũng, Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Quý Dương, Nguyễn Tấn Hòa, Nguyễn Thanh Hồng, Đinh Công Hướng, Phạm Quang Hưng, Lê Hải Khôi, Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Cảnh Lương, Phạm Thị Bạch Ngọc, Trần Thị Tạo, Trịnh Tuân, Nguyễn Đăng Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn, Đàm Thanh Sơn, Nguyên Hồng Minh, Lê Hồng Vân, ...... GS TSKH NGND Nguyễn Văn Mậu cũng là người khởi nguồn cho những sinh hoạt cộng đồng trong giới giảng dạy đào tạo ở bậc đại học và trung học trong toàn quốc thông qua các trại hè: Trại hè Hùng Vương, Trại hè Tây Nguyên và Duyên hải nam Trung Bộ, Trại hè Phương Nam. Thông qua các hoạt động này các thầy cô được giao lưu kết nối, nâng cao trình độ lên một tầm cao mới. Gần mười lớp chuyên đề bồi dưỡng hè về toán Olympic được GS Nguyễn Văn Mậu tổ chức tại Hà Nội khi ông làm Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội (1997-2008) đã thu hút hàng ngàn lượt các thầy cô giáo toàn quốc về dự. Cùng với những lớp đào tạo thạc sĩ về chuyên ngành Phương pháp Toán Sơ cấp, GS Nguyễn Văn Mậu là người đã mở ra chuyên ngành sau đại học Phương pháp toán sơ cấp, là một trong những người đầu tiên đã có công đưa đội ngũ giảng dạy toán ở bậc phổ thông nước ta tiếp cận được trình độ thi Olimpic Toán quốc tế. Bản thân thầy cũng đã từng giảng dạy bồi dưỡng và nhiều lần là trưởng đoàn dẫn học sinh Việt Nam các thế hệ thi nhiều kỳ Toán Olympic quốc tế (IMO) và Olympic Toán sinh viên quốc tế (IMC). GS Nguyễn Văn Mâu cũng là người tổ chức ra các kỳ thi Olympic Sinh viên toàn quốc, Olympic khoa học quốc tế và Olympic Toán quốc tế Hà Nội mở rộng. GS Nguyễn Văn Mậu không chỉ là khoa học giỏi, với hàng trăm các công trình khoa học và các sách chuyên khảo về toán học hiện đại và toán học phổ thông công bố cả ở trong và ngoài nước ông còn là một Hiệu trưởng xuất sắc của trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội trong hơn hai nhiệm kỳ 1997-2008 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới và Huân chương Hồ Chí Minh. GS TSKH Nguyễn Văn Mậu cũng là PCT Hội THVN và là Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội từ 2003 cho đến nay. Với sự trăn trở về bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên toán, GS Nguyễn Văn Mậu, chủ tịch Hội Toán học Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học tại các sở giáo dục, các trường chuyên trong cả nước. Tại đây, các chuyên gia giảng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, các nhà Toán học đã trình bày các kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm nghiên cứu, các hướng mới trong các đề thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Một lần nữa lại khẳng định Hội Toán học Hà Nội và Chủ tịch Nguyễn Văn Mậu có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng động người làm toán và học toán của Việt Nam. Nối tiếp sự ảnh hưởng tích cực đó, trong cuốn kỷ yếu này, Ban biên tập đã chọn lọc giới thiệu một số bài báo mà tác giả là các học trò xuất sắc của GS Nguyễn Văn Mậu, đã được công bố tại các tạp chí nổi tiếng cùng với sự lan tỏa kiến thức và sự say mê toán học đến cộng đồng yêu toán không chỉ trong nước mà còn nhân rộng ra thế giới. Kết thúc bài phát biểu, PGS Trần Huy Hổ nói: trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi không thể kể hết các cống hiến của GS. Nguyễn Văn Mậu, những ai đã được gặp, được học, được cùng làm việc với Anh ấy sẽ cảm nhận được phần nào nguồn năng lượng tỏa ra từ Anh ấy…. Tới chúc mừng GS. Nguyễn Văn Mậu có người bạn chí cốt đồng tuế là NGƯT, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Trường Kỳ và học trò ưu tú NG Dương Thị Tuyến Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: NG Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang và học trò đồng niên NG Nguyễn Văn Tiến trường THPT Chuyên tỉnh Bắc Giang cũng góp mặt chúc mừng GS. Nguyễn Văn Mậu
Thường trực BCH Hội Toán học Hà Nội chúc mừng GS Nguyễn Văn Mậu tròn 75 tuổi và là năm thứ 22 là Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội Nhóm các Cựu Hiệu trưởng các trường THPT Chuyên thuộc khối Trại hè Hùng Vương chúc mừng GS:
Đại diện nhóm 15 nghiên cứu sinh của GS chúc mừng Thầy: Đại diện nhóm học viên cao học Toán tại Hà Nội chúc mừng Thầy:
Đại diện lớp cao học Toán khóa I và khóa II tỉnh Hải Dương chúc mừng Thầy:
Ban Giám Hiệu trường THPT Chuyên Hùng Vương tỉnh Phú Thọ chúc mừng Thầy:
Đại diện BGH các trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tỉnh Yên Bái, trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ tỉnh Hòa Bình, THPT Vùng Cao Việt Bắc tỉnh Thái Nguyên, THPT Việt Trì, Công nghệ Việt Trì, Kỹ thuật Việt Trì chúc mừng Thầy:
Và các lời chúc mừng được gửi đến từ học trò các tỉnh: Quy Nhơn, Hà Nam… Nói về GS. TSKH. NGND. Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội, trong bài phát biểu của mình, TS. Phạm Tuấn Anh Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hùng Vương tỉnh Phú Thọ đã nói: các từ GIÁO SƯ, TIẾN SỸ KHOA HỌC, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN chưa đủ để nói về nhiệt huyết yêu nghề, năng lượng làm việc, sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng của Người. Vậy nên chúng ta đành dùng một đại từ chung NGƯỜI THẦY để gọi Thầy. Nhân dịp này kính chúc GS. TSKH. NGND. Nguyễn Văn Mậu với tuổi Bẩy mươi nhăm tràn đầy năng lượng để tiếp tục cống hiến cho xã hội trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước. Phú Thọ, ngày 14 tháng 7 năm 2024 BBT |