HỘI TOÁN HỌC HÀ NỘI TỔ CHỨC SEMINA KHAI XUÂN ẤT TỴ 2025 Ở HUYỆN MÊ LINH, TP. HÀ NỘI 
Nhằm tạo sự gắn kết giữa việc nghiên cứu, đào tạo của các trường Đại học, các viện nghiên cứu với các trường phổ thông; thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các chương trình bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên bộ môn Toán bậc phổ thông cập nhật các chương trình GDPT 2018 và tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến quốc tế, Hội Toán học Hà Nội tổ chức hội Seminar: Một số chuyên đề Toán học cập nhật chương trình GDPT 2018 vào ngày 27/02/2025 tại huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Semina khai xuân năm Ất Tỵ 2025 và cũng là semina đầu học kì II năm học 2024 – 2025 được chọn tổ chức tại huyện Mê Linh mảnh đất giàu truyền thống lịch sử như một sự hướng về cội nguồn. Huyện Mê Linh gắn liền với thời đại các vua Hùng dựng nước, là địa bàn cư trú của các Lạc tướng, Lạc hầu dòng dõi vua Hùng. Đây là vùng đất đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ này vốn là nơi giao lưu kinh tế và văn hóa của các vùng như: miền núi, trung du và đặc biệt là sự giao thoa văn hóa với các tỉnh lân cận nhất là với kinh đô Thăng Long, nên đã hội tụ ở đây một nền văn hóa phong phú, đa dạng góp phần không nhỏ vào sự hình thành phát triển của nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Trong đó, các di tích lịch sử - văn hóa như một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế của người Việt, đồng thời còn đánh dấu sự ra đời và phát triển của văn minh cộng đồng, làng xã Việt Nam. Các di tích lịch sử, đình, đền, chùa, miếu ở Mê Linh là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, ẩn chứa trong đó là cốt cách, là tâm hồn của người dân đất Việt. Từ lâu trong tâm thức của người dân Mê Linh, các di tích lịch sử - văn hóa chính là một phần linh hồn, một nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Do vậy, nơi đây đã lưu giữ được 161 di tích lịch sử văn hóa, có 78 di tích đã được xếp hạng, trong đó 01 di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, 25 di tích cấp Quốc gia và 51 di tích cấp tỉnh, thành phố. Nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Đền Hai Bà Trưng, Đồi 79 Mùa xuân, chùa Trung Hậu, đình Bạch Trữ, đình Phú Mỹ,...Điển hình là Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Đây là nơi Hai Bà được sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa, giành thắng lợi, xưng Vương và định đô những năm 40 - 43 sau Công nguyên. Trải qua thời gian, Đền Hai Bà Trưng đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, năm 2000 Đền được quy hoạch mở rộng và trung tu lớn như hiện nay với trên 12ha. Năm 2013, Đền Hai Bà Trưng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Với cảnh quan thiên nhiên mang đậm không gian lịch sử và văn hóa truyền thống, từ nhiều năm di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên; nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Semina này nằm trong chương trình khoa học liên kết thường niên của khối các trường, viện, hội và các cơ sở giáo dục. Semina lần này hân hạnh được đón tiếp các nhà khoa học, nhà giáo lão thành, chuyên gia Toán học, các thầy giáo, cô giáo bộ môn Toán khối các trường THPT, THCS sinh hoạt chuyên môn tại Hội Toán học Hà Nội tham dự và trình bày báo cáo. Về phía huyện Mê Linh có Thầy Nguyễn Tiến Dũng Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Mê Linh; các Đại biểu lãnh đạo đại diện cho Ủy ban nhân dân xã Tráng Việt, trường TH Tráng Việt B, trường THPT Tiến Thịnh, THPT Yên Lãng tham dự.
 Thầy Nguyễn Tiến Dũng Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Mê Linh phát biểu và tặng hoa cho Hội Toán học Hà Nội
 GS, TSKH Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch hội Toán học Hà Nội tặng quà cho phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh và trường TH Tráng Việt B:

Thạc Sỹ Kiều Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh, Uỷ viên BCH Hội Toán học Hà Nội phát biểu chào mừng và giới thiệu về huyện Mê Linh.
 GS, TSKH Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch hội Toán học Hà Nội phát biểu đề dẫn và phát động Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2024 – 2025 do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ Thuật Hà Nội phát động. Tại đây, Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội trao giấy khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong năm 2024:
 Chi hội Semmina Giải tích - Đại số là chi hội tích cực và có nhiều hoạt động nhất trong năm 2024.
 Các cá nhân xuất sắc gồm có: GS, TS. Trần Vũ Thiệu, PGS. TS Trần Hùng Thao, TS. Vũ Tiến Việt, Thạc Sỹ Nguyễn Bá Đang:
 Vào phần nội dung, Báo cáo mời do PGS.TS Trần Hùng Thao trình bày về: Định lý Pythagore ngẫu nhiên.
Tiếp theo là Các báo cáo Chuyên đề: TS. Nguyễn Việt Hải trình bày về: Sử dụng tính chất đồng dư để khảo sát nghiệm của phương trình vô định.
 Báo cáo cuối cùng của TS. Vũ Tiến Việt trình bày về: Vài ứng dụng của tích phân trong các bài toán thực tiễn đã kết thúc semina. Buổi chiều cùng ngày, đoàn đạị biểu của Hội Toán học Hà Nội thăm và dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và chùa Trung Hậu xã Tiền Phong, huyện Mê Linh.
Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 2025
Ban Biên tập LTTH
|